Thống kê tại Mỹ cho thấy:
Cứ 3 phút có một người được chẩn đoán mắc ung thư máu
Cứ 9 phút có một người tử vong
30% các bệnh nhi ung thư mắc ung thư máu (6)
Tại Việt Nam:
Có 10.913 ca mắc mới năm 2018
2920 ca tử vong
Tổng số ca mắc mới các loại ung thư đứng thứ 5 trong các loại ung thư phổ biến (7)
Các dạng ung thư máu khác nhau có phác đồ và chi phí điều trị khác nhau (8).
Đặc biệt, Bạch cầu tủy mạn là một trong những bệnh máu ác tính với tần xuất không quá cao (khoảng 1-2 ca/100000 dân/năm) tuy nhiên đây lại là bệnh mà người ta biết khá rõ về cơ chế bệnh học phân tử. Nhờ đó phác đồ điều trị bệnh này đã được chuẩn hóa bởi Tổ chức y tế thế giới (WHO); Hội ung thư Châu âu (ESMO); và Mạng lưới bệnh bạch cầu Châu âu (ELN).
Việc chữa trị bệnh bạch cầu tủy mạn được coi là có bước phát triển về chất kể từ khi trên thị trường xuất hiện dược phẩm có tên thương mại là Imatinib hay Glivec (và các dạng cải tiến của nó như Dasatinib, Nilotinib) đây là hợp chất hóa học có khả năng ức chế protein tyrosine kinase BCR-ABL gây nên sự chết tế bào có chương trình (apotosis) cho các tế bào mang BCR-ABL. Dược phẩm này đã được chỉ định điều trị cho các bệnh nhân mang nhiễm sắc thể Philadelphia (bao gồm cả ung thư bạch cầu tủy mạn – CML và ung thư bạch cầu lympho cấp acute lymphoblastic leukemia-ALL mang nhiễm sắc thể Philadelphia).
Theo các hướng dẫn và khuyến cáo do các hiệp hội nhà nghề y quốc tế ban hành: Bệnh nhân bạch cầu tủy mạn được coi là có đáp ứng điều trị tối ưu nếu: (i) thuyên giảm ở mức độ huyết học đạt được sau 3 tháng điều trị; (ii) thuyên giảm mức độ tế bào học đạt được sau 12 tháng điều trị; (iii) thuyên giảm ở mức độ phân tử đạt được sau 18 tháng điều trị. Cũng theo các hướng dẫn này, bệnh nhân bạch cầu tủy mạn cần được kiểm tra các thông số huyết học 2 tuần một lần trong 3 tháng đầu nhằm quan sát thuyên giảm bạch cầu ở mức độ huyết học, sau 3 tháng điều trị nếu đạt đến mức thuyên giảm huyết học bác sỹ lâm sàng cần chỉ định xét nghiệm phân tử đánh giá tỷ lệ BCR-ABL/ABL 3 tháng một lần, xét nghiệm này bắt buộc phải tiến hành ngay cả sau khi kết thúc điều trị nhằm đánh giá nguy cơ tái phát (Baccarani, Cortes et al. 2009).
Để quan sát sự thuyên giảm của bệnh bạch cẩu tủy mạn, bác sỹ lâm sàng có thể chỉ định các xét nghiệm như lai hóa huỳnh quang tại chỗ (flourescent in situ hybridization-Fish), đếm hình thái miễn dịch tế bào (flow cytometry) và định lượng sinh học phân tử (real time quantitative PCR- qPCR). Trong 3 phương pháp nói trên thì định lượng sinh học phân tử có ngưỡng phát hiện tốt nhất (bằng phương pháp này đa số các phòng thí nghiêm trên thế giới có thể phát hiện được 1 tế bào bạch cầu tủy mạn trong 105 tế bào thường) (Baccarani, Saglio et al. 2006). Đây là phương pháp duy nhất có thể quan sát được mức độ thuyên giảm của bệnh bạch cầu tủy mạn ở mức độ sinh học phân tử (tỷ số BCR-ABL/ABL ≤ 0,0001và cũng là phương pháp duy nhất được WHO; ESMO; ELN khuyến cáo đưa vào quan sát đáp ứng điều trị cho bệnh nhân bạch cầu tủy mạn (Baccarani, Saglio et al. 2006, Baccarani, Cortes et al. 2009, Baccarani and Dreyling 2010).
Cho đến nay ở nước ta việc áp dụng các khuyến cáo và hướng dẫn nêu trên vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân có thể: (i) do kinh phí điều trị bằng các thuốc đặc hiệu còn cao; (ii) chưa có phương tiện để đánh giá, theo dõi điều trị. Do đó, để làm cơ sở cho việc chỉ định, đánh giá theo dõi điều trị bệnh bạch cầu tủy mạn chúng tôi triển khai nghiên cứu này. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy phương pháp định lượng bệnh tồn dư tối thiểu (tỷ lệ bắt chéo BCR-ABL/ABL) sử dụng nguyên lý Real Time PCR Taqman probe với 2 cặp mồi thông dụng và một đầu do phân tử )taqman probe) có độ nhạy đáp ứng được theo khuyến cáo của các Hội nghề nghiệp trên thế giới.
Tỷ lệ BCR-ABL/ABL còn có một tên gọi khác là bệnh tồn dư tối thiểu (minimal residual disease-MRD), đây là chỉ số mô tả trực tiếp hay gián tiếp mật độ tế bào ung thư máu trong cơ thể bệnh nhân. Trong điều trị ung thư máu nói chung và bạch cầu tủy mạn nói riêng chỉ số bệnh tồn dư tối thiểu phản ánh đáp ứng điều trị của bệnh nhân đối với mỗi phác đồ điều trị cụ thể, nó giúp bác sỹ lâm sàng quyết định tiếp tục hay chấm dứt điều trị cho từng trường hợp bệnh nhân cụ thể. Hơn nữa bệnh tồn dư tối thiểu còn đóng vai trò tiên lượng nguy cơ tái phát bệnh (Hochhaus 2002, Yin and Grimwade 2002, Kern, Schoch et al. 2005). Hiện nay có nhiều chiến lược được dùng để đánh giá bệnh tồn dư tối thiểu cho bệnh nhân bạch cầu tủy mạn, trong đó phương pháp sinh học phân tử dựa trên phản ứng chuỗi (PCR) cho ngưỡng phát hiện tốt hơn cả, đặc biệt thủ tục tiến hành một xét nghiệm định lượng phân tử tỷ lệ BCR-ABL/ABL đã được chuẩn hóa bởi hướng dẫn do mạng lưới ung thư máu Châu Âu đề xuất (European leukemia network –ELN). (Baccarani, Cortes et al. 2009).